Đăng bởi Hằng Anh Duong

Giá điện 'bao cấp', lợi bất cập hại?

ks-img

Trong nửa năm qua, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra nhiều đề xuất về việc tăng giá điện. Hầu hết, các ý kiến chuyên gia đồng ý, nếu giá nhiên liệu tăng, thì giá điện phải tăng. Vì đây là cách tính giá dựa trên nguyên lý thị trường.

Nhiều đề xuất xung quanh việc tăng giá điện

Sau 4 năm không tăng giá điện, đầu tháng 5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 3%, điều này giúp doanh thu của EVN thêm 8.000 tỷ đồng, giảm bớt áp lực tài chính của doanh nghiệp này khi đang phải “gồng” khoản lỗ lên tới 26.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ sau đó vài tháng, EVN tiếp tục đề xuất tăng giá điện lần nữa, nguyên nhân là do giá cả nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đá,... tăng cao, tỷ giá ngoại tệ cũng tăng mạnh, bình quân năm 2023 dự kiến tăng 4% so với năm 2021. Những yếu tố này đã tạo ra rất nhiều áp lực cho EVN, trong việc cân đối lại tài chính, đặc biệt là vấn đề giảm lỗ và không phát sinh thêm các khoản lỗ mới.

TS Hà Đăng Sơn, cho rằng, khi xây dựng chính sách giá điện mới, cần nhìn nhận tổng thể về thị trường năng lượng quốc tế khi đưa ra các ưu đãi thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường điện.“Phải làm sao tạo điều kiện tốt nhất thu hút nhà đầu tư nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố về an ninh năng lượng quốc gia. Tức là nếu có biến động xảy ra, cần phải đảm bảo được bao nhiêu phần trăm cung ứng năng lượng quốc gia, không thể “mở bung” toàn bộ. Một mặt tạo điều kiện để thu hút tối đa các nhà đầu tư tư nhân cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác chúng ta vẫn phải đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia để trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta vẫn có dự phòng nguồn điện”, TS Hà Đăng Sơn nói.

Liên quan về vấn đề này, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, do giá nhiên liệu đầu vào, tỷ giá leo cao đã khiến giá thành sản xuất điện năm 2023 cao hơn giá bán lẻ điện bình quân. Ngay cả khi giá bán lẻ điện đã được điều chỉnh tăng 3% từ ngày 4/5, doanh thu của EVN năm 2023 tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên điều này cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn về tài chính và EVN vẫn phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính” - Cục Điều tiết Điện lực nhấn mạnh.

Trước thực trạng này, mới đây nhất, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo sửa đổi Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất có thể điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần.

Theo Bộ Công Thương, nhằm giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, cần xem xét tới việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện.

Việc này để vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cũng như dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào.

Do vậy, dự thảo rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng. Việc áp dụng chu kỳ điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần cũng phù hợp với chu kỳ họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá là mỗi quý/lần, giúp việc điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế vĩ mô ở từng giai đoạn.

Hầu hết, các ý kiến chuyên gia đồng ý, nếu giá nhiên liệu tăng, thì giá điện phải tăng. Vì đây là cách tính giá dựa trên nguyên lý thị trường. Tuy nhiên, nếu muốn thực hiện cách tính giá này, phải minh bạch giá, công khai giá nguyên liệu đầu vào, để người dân được biết và nắm bắt.

Giá điện đang “bao cấp”, lợi bất cập hại?

Một số ý kiến cho rằng, giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam thấp hơn nhiều nước, nhưng cũng có ý kiến khác đánh giá, thu nhập của người dân Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều so với những nước mà người dân trả giá điện cao.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, giá điện của Việt Nam hiện nay không thấp mà đang cân bằng với thu nhập.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thực tế hiện nay, giá bán điện vẫn còn mang màu sắc “bao cấp”, bù trì. Hiện tại, giá xăng dầu, giá lương thực đã được xác định theo cơ chế thị trường, nhưng giá điện vẫn giữ giá Nhà nước quy định.

Đặc biệt, trong khi mấy năm gần đây, chi phí sản xuất điện tăng rất cao, các điều kiện đầu vào như vốn, tỷ giá hối đoái, giá các năng lượng khác… đều tăng cao nhưng giá điện tại Việt Nam vẫn giữ ở mức thấp, chỉ tăng hầu như không đáng kể.

Tinh thần của Việt Nam là hỗ trợ người lao động, hỗ trợ xã hội trong lúc khó khăn. Tuy nhiên, cách tư duy này trả giá bằng câu chuyện thị trường mất cân bằng. Đặc biệt đối với bên sản xuất như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và nhiều doanh nghiệp sản xuất điện bị lỗ rất nặng” - PGS.TS. Trần Đình Thiên nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, việc giá điện thấp sẽ khiến tiêu dùng điện nhiều, sử dụng điện lãng phí. Đồng thời, giá quá thấp sẽ không khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất điện.

Ngoài ra, nếu cứ duy trì giá điện thấp như hiện nay có khả năng tạo ra bẫy công nghệ, tức là chỉ nhắm đến những nhà đầu tư công nghệ lạc hậu, tiêu dùng điện tốn kém, ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế chung.

Chúng ta không nên lập luận là “thu nhập thấp nên giá điện thấp” mà phải lập luận ở mức tổng thể hơn đó là “giá điện phải đúng để đảm bảo cân bằng sản xuất và tiêu dùng” - PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Theo ông Thiên, đã đến lúc Việt Nam đưa giá điện về cơ chế thị trường, vì sự “sự bao cấp sẽ làm hỏng cơ chế thị trường”.

Chúng ta vẫn phải để mức độ giá điện cân bằng, cạnh tranh với thế giới, không thể đầu vào cao mà vẫn để giá điện thấp” - ông Thiên nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính phân tích: Năm ngoái, giá thành sản xuất điện đã tăng 9,27%, nhưng giá điện chỉ điều chỉnh 3%.

Theo ông Thỏa, việc để giá điện thấp mang lại một số lợi ích cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, giá điện thấp đang gây khó khăn về nhiều mặt, tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế như dòng tiền để tiếp tục đầu tư kinh doanh, khó tái sản xuất; khó khăn trong thu hút đầu tư xây dựng hệ thống nguồn điện, truyền tải, phân phối.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong hay ngoài nước họ phải có lợi nhuận mới làm, nếu không đủ chi phí thì họ không thể đầu tư. Thiếu điện sẽ có nhiều điểm nghẽn, từ sản xuất đến kinh tế.

Trên cơ sở đó, ông Thỏa cho rằng, để giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường là hợp lý. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ đối với người yếu thế trong xã hội, để an sinh xã hội.

Hỗ trợ người yếu thế, người thu nhập thấp là điều phải làm, chứ doanh nghiệp sản xuất bình thường, kinh doanh có lãi thì tại sao phải bao cấp. Cho nên cần phải tách biệt 2 yếu tố này để thực thi các chính sách về giá điện” - ông Thỏa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa kiến nghị cần sửa Luật Điện và đẩy nhanh lộ trình xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Bởi khi đó, người tiêu dùng sẽ được phép lựa chọn đơn vị bán điện giá hợp lý nhất, phục vụ tốt nhất.

Nhà nước luôn luôn có chính sách hỗ trợ người dân ngoài giá điện, chúng ta đừng nghĩ là trong giá điện phải có chính sách an sinh. Hãy để thị trường điều tiết” - ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu ý kiến.

Nguồn: baomoi.com

Để tận dụng tối đa nguồn năng lượng miễn phí từ tự nhiên, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí tiền điện hằng tháng và giảm tải áp lực nguồn điện cho EVN, thúc đẩy phát triển kinh tế thì giải pháp điện năng lượng mặt trời là lựa chọn hợp lý.

Trường Đạt Solar là một trong những công ty đi tiên phong trong lĩnh vực Điện năng lượng mặt trời. Chúng tôi không ngừng nỗ lực để mang đến sản phẩm tốt nhất cho khách hàng và cam kết hành động vì sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội. Đến với Trường Đạt Solar, chúng tôi cam kết thỏa mãn những yêu cầu khắc khe nhất của Quý Khách.

Quý khách vui lòng liên hệ 0909.023.037 để nhận báo giá và chính sách ưu đãi nhất.

Bài viết gần nhất

Thể loại