Đăng bởi Hằng Anh Duong

Món ngon ra từ thuốc lá nhàu

ks-img

Bằng sự tìm tòi và sáng tạo của các đầu bếp, loại cây này có thêm công dụng mới, dùng để chế biến thành những món ăn bổ dưỡng.

Tại Việt Nam, nhàu mọc hoang nơi ẩm thấp và cũng được người dân trồng, nhiều nhất ở miền Nam. Một số tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Huế…) và một số địa phương đồng bằng Bắc Bộ gần đây cũng xuất hiện loại cây này. Dân gian quen thuộc với loại cây này qua nhiều tên gọi khác: nhàu lớn, nhàu núi, nhàu rừng, cây ngao, cây giầu, cây dâu ấn… xuất xứ từ vùng nhiệt đới thuộc châu Á và châu Úc. Cây nhàu có tên khoa học là Morinda citrifolia, thuộc họ Rubiaceae.

Theo DS. Lê Kim Phụng, nước sắc trái nhàu rất hiệu nghiệm trên các rối loạn của hệ tiêu hóa (tiêu chảy, nhiễm giun đường ruột, buồn nôn...), các bệnh thuộc đường hô hấp, hệ tim mạch (bệnh tim, huyết áp, tiểu đường...) các bệnh ngoài da... Đặc biệt, nước sắc trái nhàu có tác dụng giảm đau rất tốt. Nghiên cứu của Đại học Metz ở Pháp cho thấy kết quả giảm đau của nhàu khoảng 75% so với sulfat morphin, kháng viêm nhờ thành phần flavonoid có chứa trong loại trái này.

Theo TS. DS. Lê Thị Hồng Anh (Thầy thuốc ưu tú, hội Đông y Việt Nam), một số nghiên cứu bước đầu cũng ghi nhận dịch trái nhàu có chứa selenium, damnacanthal - là những chất có hoạt tính sinh học cao, có khả năng ức chế một số tế bào ung thư. Việt Nam và một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản... đã dùng trái nhàu phơi hoặc sấy khô làm trà uống. Lá nhàu giã nát đắp vết thương, mụn nhọt, sắc uống chữa tiêu chảy và lỵ, sốt...

Dược tính lành nhưng nhàu có vị nhẫn, lá hơi chát, mùi khai mạnh, thuộc loại khó dùng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhàu được biết đến rộng rãi hơn khi tham gia vào lĩnh vực ẩm thực, đóng vai trò nguyên liệu, gia vị làm nên những món ăn bổ dưỡng. 

Do có vị đắng nên lá nhàu lớn không được dùng ăn sống, nhưng với đọt lá nhàu non thì có thể làm rau ăn sống. Dân gian hay nấu chín lá nhàu ở các dạng: luộc (để giảm bớt vị đắng), xào (với các loại thịt ếch, nhái, trâu, bò…) hay chưng, hấp (lá nhàu làm chất độn để hấp với thịt, cá), đặc biệt gói với thịt bằm và hấp với nước cốt dừa rất thơm. Dùng lá nhàu nấu canh lươn ăn cũng rất bổ dưỡng. 

Đặc biệt, những dược tính ưu việt của trái nhàu đã được các đầu bếp nghiên cứu, chế biến nên nhiều món ăn đặc sắc, bổ dưỡng không chỉ dùng trong bữa ăn gia đình mà còn mang vào thực đơn kinh doanh của nhà hàng. Các đầu bếp thậm chí còn sáng tạo ra một thực đơn mà, tất cả các món đều lấy nguyên liệu từ cây nhàu như: Chả cá lá nhàu, gỏi đọt nhàu mắm rò, cá chình um lá nhàu ăn kèm bún, bò cuốn lá nhàu với sốt trái nhàu ăn kèm rau củ...


Bài viết gần nhất

Thể loại