Đăng bởi Hằng Anh Duong

Nghệ thuật Tinh xảo: Hành Trình Thiết Kế Và Chế Tác Trang Sức Kim Cương

ks-img

Bước vào thế giới của trang sức kim cương là bước vào thế giới của sự tinh tế và sự hoàn hảo đến không tưởng, nơi mà từng viên kim cương trở thành nguồn cảm hứng để chúng tôi hiện thực hoá câu chuyện mà khách hàng gửi gắm. Câu chuyện về việc chế tác trang sức kim cương không chỉ là về việc tạo ra những chiếc nhẫn hay mặt dây chuyền đẹp mắt, mà còn là về kỹ thuật, sự tỉ mỉ, tâm huyết và hành trình theo đuổi vẻ đẹp hoàn hảo mà Tara Diamond Jewelry hướng đến.

Thông qua bài viết này, Tara Diamond Jewelry sẽ giúp khách hàng có một cái nhìn tổng quát về quy trình thiết kế và chế tác trang sức kim cương của chúng tôi.

  1. Lên bản vẽ 2D

Đây là công việc của phòng thiết kế tạo mẫu trang sức. Sau khi tư vấn với khách hàng, Tara Diamond Jewelry sẽ lên những ý tưởng về mẫu trang sức theo yêu cầu và câu chuyện mà khách hàng đã trao đổi trước đó. Đội ngũ thiết kế sẽ phác thảo ý tưởng bằng 2 mẫu vẽ 2D để khách hàng có thể lựa chọn mẫu phù hợp với mình. 


  1. Lên bản vẽ 3D

Sau khi khách hàng đưa ra lựa chọn, chúng tôi sẽ vẽ lại sản phẩm bằng 3D thông qua những chương trình chuyên dụng… Các mẫu này được render và thực hiện thao tác gắn kim cương ngay trên mẫu 3D ấy. Sau khi kết thúc quá trình thiết kế, khách hàng sẽ được xem một mẫu trang sức y như thật theo dạng 3D.


  1. Bơm sáp

Hiện tại Tara Diamond Jewelry có 2 cách thực hiện với mô hình bằng sáp đó là thủ công - đẽo sáp bằng tay (với những thiết kế có độ khó cao như hình thú, hình người, chân dung) và cho máy tạo mẫu tự động.

Thực hiện hoàn toàn bằng tay

Bước này đòi hỏi thợ chế tác phải có tay nghề cao và một sự khéo léo, tỉ mỉ, chăm chút từng chi tiết nhỏ. Đầu tiên, chúng tôi sẽ vạch dấu trên bề mặt sáp nguyên, tạo kích thước và hình dáng tổng thể của chi tiết. Khi gia công chi tiết nhẫn, thợ có thể dùng tay nhưng thường là dùng máy tiện cỡ nhỏ, vận hành với động cơ công suất thấp hoặc phải quay máy tiện bằng tay. Người thợ phải thường xuyên đo và chỉnh dao để đảm bảo độ chính xác kích thước.


Thực hiện bằng máy


Người thiết kế sẽ hoàn thành mẫu vẽ 3D trên máy tính, sau đó xuất sang cho máy tạo mẫu chạy tự động. Máy sẽ đưa ra một mẫu sáp hoàn chỉnh đúng chính xác hình dạng và kích thước đã có trên bản 3D. Khi đã hoàn chỉnh mẫu, mẫu sẽ được thợ làm nguội cho sạch hết những chi tiết thừa hay sáp còn dính lại, và chỉnh sửa chi tiết món trang sức của bạn bằng các phương pháp hàn, giũa, cắt, gọt … để mẫu sáp đạt độ tinh tế và độ bóng cao nhất. Chúng phải trông như một mẫu trang sức thật sự, chỉ có điều là bằng sáp thôi!


Bơm sáp

Bơm sáp trang sức là giai đoạn đòi hỏi người thợ chế tác phải có tính tỉ mỉ và cẩn thận cao. 

Giai đoạn bơm sáp dùng để tạo khuôn mẫu, hình dạng hoàn chỉnh của trang sức. Vì vậy, công cụ chính của giai đoạn này là máy bơm hay còn có tên gọi là máy phun sáp. Ngoài ra, người thợ còn sử dụng bột phấn để đạp các khuôn đã sử dụng lâu ngày và bị bịt lại trước khi bơm sáp.

Khi bơm sáp, phải đảm bảo cho lượng sáp lỏng được bơm đầy và bơm đủ vào trong mô, nghĩa là không dư đến trào ra cũng không bị thiếu hụt, đồng thời tất cả các mẫu cũng đều phải được bơm đều như nhau. Nếu không làm tốt điều này thì sẽ xuất hiện những mẫu bơm bị lỗi. Sáp sau khi đã khô cứng và được lấy ra khỏi mô (các thợ thường gọi chúng là những con sáp) phải qua tiếp một giai đoạn nữa là kiểm tra, chỉnh sửa lại bề mặt và các chi tiết của mẫu bằng phương pháp hàn sáp hay gọt giũa.

Trong quá trình này, việc có những mẫu bị bơm hư là không thể tránh được. Thường thì chỉ có những mẫu nào đơn giản mới ít hư, còn hơi phức tạp và nhiều chi tiết thì sẽ có nguy cơ cao hơn.

  1. Cắm cây thông

Trước tiên Tara Diamond Jewelry xin giải thích một số thuật ngữ được dùng trong công đoạn này:

~ “Cắm cây thông” là cái tên hình tượng cho công đoạn nối những con sáp ở trên vào một ống rót trước khi đem đúc. Lý do gọi chúng là “cắm cây thông”, đơn giản vì khi hoàn thành công đoạn này, những con sáp được cắm đều nhau trên ống rót và chĩa ra ngoài, nhìn tổng thể trông rất giống cây thông.


~ Láp: Thực chất láp là những ống hình trụ có đục lỗ tròn đều đặn, làm bằng kim loại có thể chịu được nhiệt độ rất cao của lò nung, lò đúc, thường là bằng sắt. Bên dưới láp vành tròn xòe ra thành đế, đế lớn và dày hơn phần trên. Láp được công ty đặt mua về số lượng lớn để phục vụ sản xuất. Láp có rất nhiều kích thước, từ to đến nhỏ, tùy theo từng trường hợp mà sử dụng cái nào.

“Cây thông” được cắm vào một đế cao su tròn có đường kính lớn hơn đường kính lớn nhất bao quanh cây thông. Sau đó sẽ chọn láp có đường kính và chiều cao phù hợp với đế cao su và cây thông đó, úp vào, gắn chặt vào đế cao su đó, dán kín băng keo xung quanh – phải thật kín, quấn chặt thun ở phần đáy. Sau đó đem đến phòng đúc.


Đối với những mẫu trang sức được thiết kế là có gắn viên chủ lên, thì trước giai đoạn cắm cây thông này, những con sáp của mẫu trang sức ấy cũng được gắn hột lên trước – ở vị trí y như khi nó đã trở thành sản phẩm thật. Sau khi gắn lên xong, chúng sẽ được cắm lên cây thông, quy trình y như những sản phẩm không gắn kim cương khác. Như vậy khi đúc ra trang sức, những viên kim cương ấy sẽ đính sẵn trên sản phẩm luôn. Đây là phương pháp mới, trước đây, người ta phải làm kiểu truyền thống là đúc hẳn ra thành kim loại thật rồi mới gắn kim cương lên sau.

  1. Đổ thạch cao

Thạch cao sẽ được đổ vào các láp – lúc này cần kiểm tra lại để chắc chắn rằng thân láp đã được bọc kín, nếu không thạch cao sẽ chảy tràn ra ngoài. Sau đó, các láp được xếp vào máy hút chân không để hút hết bọt khí đọng trong láp – nếu còn bọt khí và bọt khí ấy tiếp xúc với bề mặt mẫu sáp, thì sẽ bị lỗi khi đúc. Khi đã đảm bảo bọt khí được hút hết, thợ kim hoàn sẽ chờ cho thạch cao đông đặc rồi khô hẳn. Thời gian chờ lâu hay mau là tùy theo kích thước láp, có thể từ 1 – 2 tiếng.


Khi thạch cao trong láp đã khô hẳn, nghĩa là chúng đã bọc cả cây thông thành một khối, lúc này, người thợ mới gỡ lớp băng keo bọc bên ngoài cây thông ra, cho vào lò nung tự động để sáp trong khuôn chảy ra hết. Nhiệt độ nung ở giai đoạn này khoảng 300 độ C.

Sau khi đã nung cho sáp chảy ra hết, tiếp tục cho vào lò nung thạch cao tự động với mục đích nung cho khuôn thạch cao chín. Nhiệt độ của lò nung lúc này khoảng từ 650 đến 750 độ C. Nhiệt độ phải được điều chỉnh cẩn thận trong vài giờ đầu để tránh sự rạn nứt xảy ra cho khuôn.

  1. Đúc kim loại

Để đúc kim loại nóng chảy, nhiệt độ ống thép phải hạ đến một nhiệt độ xác định và duy trì ở nhiệt độ đó sau khi lấy ra khỏi lò. Nhiệt độ này khác nhau là xác định tùy theo kim loại được đúc. Đối với vàng, nhiệt độ ở ống thép cần duy trì là 600 độ C trong một giờ trước khi lấy khỏi lò, và tiếp tục duy trì ở khoảng 450 – 600 độ C sau khi lấy ra khỏi lò. Yêu cầu nhiệt độ của bạc trong cả hai trường hợp thì thấp hơn vàng khoảng 100 độ C.

Sau đó, người thợ cho kim loại vào chén chuyên dụng chịu nhiệt để nấu, thêm một chút hàn the vào rồi dùng mỏ đốt khè lửa vào chén để nấu chảy kim loại. 


Để khuôn ổn định trong vài phút rồi đem nhúng láp vào trong nước lạnh đột ngột, nó sẽ khiến khuôn thạch cao bị nứt, vỡ ra. Khi đó, sẽ thu được thành phẩm. Người thợ phải tiếp tục một bước nữa là khử lớp oxy hóa và các tạp chất bằng cách rửa trong dung dịch axit. Các tạp chất cũng như lớp oxy hóa này làm giảm độ bóng bề mặt và gây khó khăn trong các công đoạn sau. Dung dịch 20% acid sulfuric thường dùng để rửa vàng bạc.


  1. Mài, giũa, đánh bóng sản phẩm

Có thể nói, đây là một công đoạn hết sức phức tạp và đóng vai trò rất quan trọng, quyết định việc tạo hình hoàn chỉnh về tổng thể lẫn chi tiết cho món trang sức. Kết thúc quá trình đúc phía trước, chúng ta sẽ thu được sản phẩm thô. Nhưng bề ngoài chúng còn rất thô sơ, xấu xí và đen đúa, cần phải trải qua giai đoạn các giai đoạn như cưa, mài, giũa, chà giấy nhám và đánh bóng để trở nên đẹp đẽ và tinh tế hơn. Với bước này, người thợ chế tác phải dùng bàn tay khéo léo và kĩ thuật tỉ mỉ của mình để hoàn chỉnh hình dáng cũng như chăm chút từng chi tiết cho trang sức. 

  1. Đính kim cương

Đính kim cương (hay còn gọi là nhận hột) là quy trình cẩn đá quý vào giá đỡ, hay ổ hột. Trang sức sẽ được định vị vào một loại sáp định vị – thường được gọi là “khằn”. Khằn bên ngoài ta thấy đó là một chất màu đỏ sậm, khi hơ lửa thì trở nên rất nóng và tan chảy ra. Lấy ống phụt kè lửa vào đó cho thật nóng rồi mới đưa mẫu trang sức vào, sao cho mặt cần nhận hột quay lên phía trên. Đợi một lúc cho khằn thật cứng và mẫu trang sức được định vị vững trong khằn, khi đó thợ có thể cẩn hột vào.


Tiếp đó, người thợ phải kiểm tra kỹ càng cả món trang sức dưới nhiều góc độ khác nhau để nhận biết những sai sót có thể có, dù là nhỏ nhất. Họ cũng kiểm tra bằng cách úp ngược khằn lại, vỗ vỗ đáy để xem kim cương có bị rớt ra không. Nếu mọi việc đều ổn, viên kim cương không rớt ra, việc kiểm tra coi như hoàn tất.

  1. Đánh bóng, xi mạ, khắc logo tuổi vàng và khắc theo yêu cầu của khách

Đầu tiên, những người thợ sẽ phải xem xét thật cẩn thận chi tiết cần đánh bóng rồi mới lựa chọn dụng cụ đánh bóng thích hợp. Khi đánh bóng, người ta sẽ đánh với hai loại lơ trắng và lơ đỏ, một loại là làm cho món trang sức sáng lên, còn một loại làm mòn đi những chỗ xước nhỏ còn lại sau khi đã chà qua giấy nhám mịn. Tiếp theo là hoàn thiện hơn bề mặt bằng cách mài bóng với bột mài có độ cứng thấp, rồi lại giảm độ cứng xuống bằng cách mài với nỉ. Cuối cùng, phải làm sạch toàn bộ chi tiết, rửa sạch với nước nóng và xà bông, sau đó cho vào máy rung vài phút rồi lau thật khô.

Sau khi mài bóng xong, người thợ sử dùng máy xi và nước xi để xi lại món trang sức. Mục đích chính của xi mạ là làm cho sản phẩm đẹp, chống ăn mòn. Mặt khác, xi mạ cũng là một yếu tố góp phần làm tăng tuổi thọ của sản phẩm. Một món trang sức bằng vàng sau khi đã xi mạ hoàn chỉnh có thể giữ được đến 1 năm mà không bị đen, trang sức bạc sẽ sáng được trong 6 tháng, trong khi nếu không xi mạ thì số thời gian đó ngắn hơn. Sau khoảng thời gian nhất định đó, các trang sức cần được đánh bóng và xi mạ lại để luôn giữ được vẻ sáng bóng và lấp lánh cua nó. Quá trình này tại một số nơi sẽ mất phí, tuy nhiên tại Tara Diamond Jewelry, khi khách hàng mua hàng, chúng tôi sẽ xi mạ miễn phí cho khách hàng 6 tháng 1 lần và liên tục trong 4 năm đầu tiên để sản phẩm của khách luôn như mới.

Sau khi sản phẩm hoàn tất, những người thợ của Tara Diamond Jewelry sẽ khắc tuổi vàng lên món trang sức. Ngoài ra, nếu khách hàng có nhu cầu khắc thêm ngày tháng kỷ niệm hoặc tên…, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ khắc theo mong muốn của khách hàng.

Mong rằng bài viết đã cung cấp thêm cho khách hàng những kiến thức thú vị về ngành kim cương nói chung và chế tác trang sức kim cương nói riêng. Nếu bạn có thắc mắc về cách chọn kim cương hoặc trang sức kim cương thì đừng ngại ngần mà hãy liên hệ ngay với Tara Diamond Jewelry để được tư vấn trực tiếp chọn những sản phẩm trang sức phù hợp với mong muốn và kinh phí của bạn.


Là đối tác của các nhà cung cấp lớn, với kinh nghiệm 10 năm trong ngành sỉ lẻ và chế tác trang sức kim cương, Tara Diamond Jewelry có thể nhanh chóng tìm kiếm và nhập khẩu những viên kim cương chất lượng cao nhất, quý hiếm nhất theo yêu cầu của khách hàng với chi phí thấp hơn 30% so với thị trường.


Bên cạnh đó, Tara Diamond Jewelry còn sở hữu đội ngũ thiết kế và chế tác lành nghề, dày dặn kinh nghiệm kết hợp cùng hệ thống máy móc hiện đại, đảm bảo tạo ra những mẫu trang sức kim cương thể hiện phong cách và cái tôi của khách hàng độc đáo nhất nhưng vẫn không kém phần lấp lánh, thời thượng.





Bài viết gần nhất

Thể loại